Khởi đầu cho một giai đoạn giảm trung hạn

(CTCK FLC – FLCS)

Sau những dấu hiệu cảnh báo đảo chiều giảm điểm đã diễn ra trong 2 tuần trước và phiên ngày 19/2. Phiên giảm điểm mạnh kèm theo khối lượng rất lớn ngày 21/2 là tín hiệu xác nhận cho những cảnh báo trước đó.

VN-Index đã phá vỡ đường biên dưới của mô hình cái nêm hướng lên và đây là tín hiệu quan trọng có độ tin cậy cao cho thấy giai đoạn giảm điểm trong trung hạn nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Ngày 21/2, thị trường giảm điểm mạnh được cho là vì xuất hiện những tin đồn, tuy vậy những biểu hiện bán ra mạnh mẽ vẫn đang thể hiện xu thế bán ra của những dòng tiền lớn. Thị trường hoàn toàn có thể giảm điểm mạnh mà không cần lý do gì, cũng như thị trường có thể tăng mạnh liên tục suốt 2 tháng trước mà cũng không có những thông tin tích cực mang tính chất nền tảng.

Trong quá khứ, những biến động giảm giá mạnh tương tự phiên 21/2 thường khởi đầu cho một giai đoạn giảm giá trung hạn. Tín hiệu này còn tỏ ra tin cậy hơn khi xuất hiện sau một giai đoạn tăng giá dài mà không có thông tin vĩ mô hỗ trợ đáng kể.

 

Có thể giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới

(CTCK ACB – ACBS)

Dao động trên tham chiếu trong phần lớn thời gian phiên sáng, nhưng VN-Index bất ngờ lao dốc trong suốt phiên chiều. Đóng cửa, VN-Index có mức giảm mạnh nhất kể từ đợt lao dốc ngày 21/08/2012.

Khối lượng tăng mạnh cho thấy xu hướng bán tháo của nhà đầu tư. Hiện VN-Index đã giảm về hỗ trợ 470-475 nên có thể giảm tốc hoặc bật tăng nhẹ. Ở tình huống tích cực nhất, VN-Index có thể hồi phục lại đỉnh tuần trước ở 497,87. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra trong 1, 2 phiên tới.

Ở bức tranh lớn hơn, phiên giảm điểm 21/2 rất tiêu cực. Nếu giảm dưới hỗ trợ 470-475, VN-Index sẽ chuyển sang xu hướng giảm trong ngắn hạn và có thể giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Khi đó, mục tiêu của VN-Index sẽ là hỗ trợ 440.

Tiêu cực hơn VN-Index, HNX-Index giảm dần dần kể từ đầu phiên và tăng tốc mạnh trong phiên chiều ngày 21/2. Đóng cửa, chỉ số này cũng có mức giảm mạnh nhất trong 3 năm qua.

Hiện HNX-Index đã quay về hỗ trợ 62-64 nên có thể giảm tốc trong vài phiên tới. Dưới mức này, HNX-Index sẽ chuyển sang xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Nhìn chi tiết hơn, nhiều mã thành viên đóng cửa ở mức giá sàn với lượng lớn cổ phiếu dư bán. Do đó, cơ hội hồi phục cho HNX-Index là thấp.

Điều đáng chu ý là phiên giảm 21/2 cho thấy nhà đầu tư đang hoảng loạn, ít nhất là trong một vài phiên. Do đó, các yếu tố kỹ thuật nhiều khả năng sẽ ít có tác dụng hỗ trợ thị trường ở thời điểm hiện tại.

 

Thị trường thực sự cần những động lực mới

(CTCK BIDV – BSC)

Thị trường trong giai đoạn hiện tại đang tương đối thiếu động lực để tăng điểm do thiếu những thông tin mới và cụ thể hơn từ khía cạnh chính sách điều hành vĩ mô. Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn được đưa ra gần đây cũng kém khả quan khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư bị giảm sút. Bên cạnh đó, từ khía cạnh kỹ thuật, 2 chỉ số cũng đã có mức tăng mạnh trong thời gian gần đây và đang tiếp cận những ngưỡng kháng cự mạnh. Cụ thể, vùng giá 500 điểm của VN-Index luôn là ngưỡng kháng cự rất mạnh đối với chỉ số này trong hơn 3 năm gần đây. Chúng tôi cho rằng, thị trường thực sự cần những động lực mới nếu muốn vượt qua vùng giá này.

Trong ngắn hạn, thị trường cũng đang chịu ảnh hưởng không tích cực từ các thông tin như: tỷ giá USD tăng đột biến, khả năng điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước, thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm v.v..

Trong bối cảnh đó, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về thị trường trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư tạm thời nên đứng ngoài thị trường để quan sát  thêm các tín hiệu và thông tin mới.

 

Khó có thể đoán định được phiên tiếp theo

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thị trường bất ngờ bị bán mạnh ngay đầu phiên buổi chiều khiến cả hai chỉ số mất điểm khá mạnh và đây là điều hoàn toàn bất ngờ nếu theo dõi diễn biến của phiên buổi sáng. Nhiều NĐT đã hoảng loạn đặt bán bằng mọi giá cho dù không biết vì sao thị trường lại xảy ra hiện tượng này, đặc biệt với những tài khoản sử dụng đòn bảy tài chính lớn. Rõ ràng việc biên độ giao dịch lớn, trong khi tỷ lệ margin theo yêu cầu được giảm 50:50 càng làm gia tăng nhanh các tài khoản bị áp lực tài chính.

Điều mà chúng tôi quan sát ở phiên 21/2 là việc mua vào vẫn khá ổn định, lực cầu mua vẫn xuất hiện cho dù bên bán vẫn quyết liệt bán ra. Thanh khoản hai sàn hôm nay tăng vọt và đây sẽ lại là câu hỏi mới: Ai đã mua?

Việc thị trường có diễn biến như ngày 21/2 thật khó có thể đoán định được phiên tiếp theo ra sao. Tuy nhiên, khi mọi vấn đề còn chưa sáng tỏ thì nhiều NĐT sẽ chọn cho mình trạng thái an toàn nhất trước khi có những quyết định mới và điều này có thể sẽ có ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong ngắn hạn. Chúng ta cần có thêm những phiên giao dịch tới để kiểm chứng xem niềm tin của NĐT với thị trường ra sao.

 

Sự hiệu chỉnh chỉ kéo dài từ 1-2 tuần

(CTCK Sài Gòn – SSI)

Theo đà hồi phục của phiên trước VN-Index tăng điểm trong hầu hết thời gian giao dịch buổi sáng và lượng cung tăng mạnh vào phiên giao dịch buổi chiều với các lệnh bán rất dứt khoát khiến nhiều cổ phiếu rơi kịch sàn. Cây nến ngày xấu với nến đỏ dài (Bearish Engulfing) trả lại hết những gì tăng lên của đợt tăng điểm trước Tết Nguyên đán. Khối lượng cũng tăng mạnh lên mức 121,3 triệu đơn vị, cao hơn tới 59,83% so với phiên trước đó.

Hiện tượng phân kỳ âm cho dấu hiệu khá chính xác và chỉ số rơi khá sâu xuống biên dưới của mẫu hình tam giác đảo chiều giảm (Rising Wedge). Với các phiên giảm mạnh kèm khối lượng lớn, cần thận trọng với các phiên Bulltrap hay diễn ra. Nếu khả năng giảm mạnh tiếp tục thì quá trình giảm sẽ không quá dài. Chúng tôi cho rằng, sự hiệu chỉnh chỉ kéo dài từ 1-2 tuần nếu không có thông tin gì ảnh hưởng quá xấu đến thị trường.

 

Diễn biến của thị trường có thể sẽ rất khó dự đoán

(CTCK FPT – FPTS)

Với áp lực bán tháo đột ngột xuất hiện trong phiên chiều ngày 21/2 thì các chỉ số chính trên cả hai sàn HNX và HOSE đã có phiên sụt giảm khá mạnh với tâm lý hoảng loạn lan rộng toàn thị trường. Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy nhà đầu tư đã hoàn toàn bị chấn động bởi diễn biến tăng mạnh và bất ngờ của lượng cung trong phiên giao dịch buổi chiều. Hàng loạt cổ phiếu đảo chiều giảm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu lớn như ITA, VNM, BVH… khiến thị trường tràn ngập sắc đỏ. Bất chấp sự phản kháng từ phía người cầm tiền, thị trường lao dốc một chiều với giá cổ phiếu rơi tự do trước áp lực bán tháo của nhà đầu tư. Thanh khoản mặc dù tăng mạnh nhờ dòng tiền bắt đáy tuy nhiên hiện tượng trắng bảng bên mua xảy ra ở nhiều mã cổ phiếu cho tín hiệu khá xấu về xu thế.

Cũng trong phiên này, thị trường đón nhận thông tin về việc PVX lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2012, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư trong nửa cuối phiên sáng. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá thì thông tin này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bán tháo. Nhiều khả năng là một số tin đồn tiêu cực xuất hiện trong phiên chiều đã khiến nhà đầu tư thụ động bán ra với mục tiêu bảo vệ thành quả sau nhịp tăng mạnh đầu năm.

Với phiên giảm ngày 21/2, kịch bản hồi phục ngắn hạn của thị trường đã hoàn toàn bị phá vỡ. Theo đó, trong điều kiện tâm lý nhà đầu tư đang phản ứng khá mạnh với những nguồn thông tin chưa chính thức thì chúng tôi cho rằng, diễn biến của thị trường có thể sẽ rất khó dự đoán trong một vài phiên tới. Vì vậy, nhà đầu tư nên thận trọng theo sát diễn biến tiếp theo của thị trường để ra những quyết định mua bán hợp lý, tránh hành động cảm tính theo tin đồn.

 

Không nên tham gia bắt đáy

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Chỉ số hai sàn giảm điểm mạnh với khối lượng tăng do sự quyết liệt của phía người bán. Phiên giao dịch buổi sáng, tâm lý thận trọng được nhiều nhà đầu tư thể hiện khi phần lớn các cổ phiếu chỉ được giao dịch ở vùng giá dưới tham chiếu. Dòng tiền từ đầu phiên đã có sự dịch chuyển lại bên sàn HOSE và thể hiện sự quan tâm ở những cổ phiếu penny. Tuy nhiên, tâm lý đã chuyển sang bi quan nhanh chóng ngay từ những giao dịch đầu tiên của phiên chiều, lực bán tăng mạnh và quyết liệt khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán cổ phiếu bằng mọi giá. Việc giảm điểm nhanh gây tâm lý lo ngại trên diện rộng, tạo thêm áp lực giảm tỷ lệ đòn bẩy ngay trong phiên. Đóng cửa rất nhiều cổ phiếu đã đóng cửa ở mức giá sàn.

Theo quan điểm của BVSC, phiên giảm điểm 21/2 tuy chưa phá vỡ hoàn toàn xu hướng tăng, nhưng có ảnh hưởng bước ngoặt đến tâm lý nhà đầu tư. Sau phiên này, sự thận trọng sẽ chiếm ưu thế và kỳ vọng vào xu thế tăng của thị trường có thể giảm nhiệt. Chúng tôi cho rằng, một vài phiên tới thị trường sẽ có biến động trong biên độ rộng, tuy nhiên, do rủi ro đã tăng cao nên nhà đầu tư không nên tham gia bắt đáy, tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Việc giảm tỷ trọng chỉ nên thực hiện ở những phiên thị trường tăng điểm do phiên giảm 21/2 đã đẩy các chỉ số và nhiều cổ phiếu về sát vùng hỗ trợ.

 

Sẽ điều chỉnh khá mạnh

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

TTCK có phiên sụt giảm mạnh lớn nhất kể từ đầu năm 2012 đến nay. Chỉ số VN-Index giảm 18,1 điểm (3,66%) xuống 476,43 điểm, HNX-Index giảm 3,66 điểm (5,3%) xuống 63,45 điểm. Tâm lý yếu của nhà đầu tư giao dịch T+ thể hiện rõ khi việc bán tháo xuất hiện trên diện rộng trên cả 2 sàn từ cổ phiếu bluechip đến các cổ phiếu midcap. Hơn nữa, phiên sụt giảm 21/2 cũng đánh dấu tác động của tin tức đồn thổi (mặc dù chưa được xác thực) nhưng ảnh hướng lớn đến tâm lý nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư.

Thị trường sẽ điều chỉnh khá mạnh và có thể kéo dài từ 2 tuần đến 2 tháng. Nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cũng như là tránh ”bắt đáy“ trong mọi trường hợp trừ 1 vài cơ hội đầu tư trung hạn với thời gian nắm giữ từ 3 – 6 tháng.

 

Thị trường đã phản ứng thái quá

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Trái với kỳ vọng của chúng tôi, thị trường biến động mạnh trong phiên giao dịch 21/2, đặc biệt là trong phiên giao dịch buổi chiều. Độ rộng thị trường bất ngờ chuyển sang tiêu cực và nhiều lệnh bán lớn ở mức giá thấp tại nhiều mã dẫn dắt đã khiến tâm lý NĐT lo ngại, hiệu ứng bầy đàn lại diễn ra trên diện rộng và khiến chúng tôi có nhiều liên tưởng đến phiên giao dịch cách đây 6 tháng khi sự kiện bắt ông Nguyễn Đức Kiên diễn ra.

Hàng loạt tin đồn xuất hiện trong phiên giao dịch buổi chiều khiến giới đầu tư thực sự hoang mang do động thái bán mạnh như ngày 21/2 không giống như hoạt động chốt lời thông thường của các NĐT. Trong khi đó, khối ngoại mặc dù vẫn tiếp tục mua ròng, song chúng tôi nhận thấy không có nhiều hành động bắt đáy hay nâng đỡ thị trường trong phiên chiều. Với những diễn biến khá bất ngờ trong phiên 21/2, chúng tôi cho rằng, thị trường đã phản ứng thái quá và tạo cơ hội cho tin đồn hoạt động mạnh. Trong điều kiện thông tin chưa rõ ràng sự thận trọng là cần thiết, tuy nhiên trong những phiên lao dốc mạnh thì chúng tôi cho rằng, những cổ phiếu cơ bản tốt vẫn mang lại nhiều cơ hội đối với NĐT tham gia thị trường.  

 

Phiên giảm bất thường

(CTCK Maybank Kimeng – MBKE)

TTCK Việt Nam trải qua một phiên giảm điểm mạnh nhất trong hơn 6 tháng qua, sự hoảng loạn có thể được thấy rõ qua việc bán tháo ở hầu hết các mã cổ phiếu trên cả hai sàn vào thời điểm cuối phiên, điều này rõ ràng là diễn biến rất bình thường. Trên thị trường, nhiều tin đồn được đưa ra liên quan đến việc tăng giá xăng dầu, CPI của tháng 2 hay việc PVX đưa ra báo cáo kinh doanh quá xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi các thông tin này rất khó có thể ảnh hưởng làm thị trường rơi mạnh đến như vậy.

Trái với đà giảm của thị trường, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lực mua tương đương phiên liền trước trong khi lượng bán ra giảm gần 50%, điều này khiến cho giá trị mua ròng của khối này tăng trở lại hơn gấp đôi phiên trước đó. Các mã cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng bao gồm: DPM, GAS, HAG, HPG, PPC, SJS.

Xét về khía cạnh kỹ thuật, phiên giảm ngày 21/2 khiến cả hai chỉ số đại diện đều thoái lui về sát khu vực hỗ trợ và điều này khiến rủi ro đánh mất xu hướng tăng hiện nay cao hơn đáng kể so với trước đó.